DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Sắc màu chợ phiên Pà Cò, Mai Châu

09/10/2024 341 0

Khi sương mù còn giăng khắp núi rừng thì bà con người Mông hai xã vùng cao Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã hối hả xuống chợ phiên Pà Cò. Chợ phiên Pà Cò không đơn thuần là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là điểm hẹn giao lưu văn hóa của đồng bào Mông củ ba xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) và Loóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Tại chợ phiên đồng bào Mông tích cực lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp về phong tục tập quán, ẩm thực, trang phục, sinh hoạt văn hóa đặc sắc, trò chơi dân gian…

Khu vực bán trang phục của đồng bào Mông rực rỡ sắc màu tại chợ phiên Pà Cò. 

Chợ phiên Pà Cò được họp mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật. Để đi chợ bà con phải dậy từ lúc trời còn tối. Bà con đến chợ với hành lý đơn sơ là chiếc gùi đựng vài cân gạo, mớ rau, là chiếc bao tải nhỏ đựng vài con dao, cái thớt hay mang theo vài con lợn, gà, ngan…Các gian hàng được bày bán khá đơn giản, không cầu kỳ, chỉ là những tấm bạt, cái bao tải rải ra giữa đất hoặc những chiếc lán nhỏ được làm bằng tre, nứa. Tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng chợ phiên Pà Cò có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong nước và quốc tế. Bất cứ đoàn khách nào khi ghé thăm Pà Cò, Hang Kia đều tới chợ phiên Pà Cò để trải nghiệm. Tại chợ phiên Pà Cò du khách được thưởng thức những nông sản địa phương do người dân nơi đây sản xuất, chăn nuôi và tìm hiểu văn hóa của đồng bào Mông. 

Khách du lịch quốc tế  thích thú khám phá chợ phiên Pà Cò

Tiếng nói cười, trò chuyện rôm rả tại dãy hàng quán bán đồ chín. Dãy quán ăn này thu hút khá nhiều đàn ông, họ gặp nhau ở phiên chợ, rủ nhau vào quán để gặp gỡ, hàn huyên, hỏi thăm tình hình sức khỏe và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ấm no. Tại các hàng quán này, bên những bếp lửa nghi ngút khói và mùi thơm của các món ăn, du khách dễ dàng bắt gặp những món đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông như: thịt sấy khô, nộm da trâu, bánh sừng trâu, thắng cố ngựa, canh đậu, rượu ngô, rượu gạo…

Theo người dân tại Hang Kia và Pà Cò: Chợ Pà Cò không chỉ là nơi buôn bán hàng hóa mà còn là điểm gặp gỡ, hẹn hò của những chàng trai, cô gái Mông. Các cô gái Mông diện những bộ váy đẹp nhất, lung linh sắc màu bên những chàng trai len lỏi qua các gian hàng. Người cao tuổi thì mơ màng bên làn khói của điếu thuốc lào, nhiều trẻ em vui sướng khi thưởng thức ẩm thực trong một góc nhỏ chợ phiên. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của bà con nơi đây sau một tuần lao động cần mẫn.

Có lẽ nơi ấn tượng nhất tại chợ phiên Pà Cò là khu vực bán hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Từ tấm thổ cẩm cho tới quần áo, yếm, thắt lưng đến các phụ kiện, túi xách, ví được trang trí tỉ mỉ, nhiều màu sắc thu hút khách du lịch. Bằng đôi bàn tay khéo léo, người phụ nữ Mông đã dệt nên những sản phẩm độc đáo với họa tiết, hoa văn tinh tế biểu đạt giá trị văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông như: thêu họa tiết ốc sên lên áo, váy để cầu mong cuộc sống no ấm hơn; thêu hình xoắn ốc để thể hiện guồng quay cuộc sống; hoa văn quả trám với bốn hình xoắn ốc biểu tượng cho tình đoàn kết trong gia đình, cộng đồng; hoa văn dương xỉ và hàng rào đặt cạnh nhau thể hiện cách bố trí không gian sống của người Mông... 

Bà con người Mông phấn khởi trò chuyện tại khu vực bán đồ ăn.

Đến chợ phiên có thể thấy được sự đa dạng trong văn hóa của dân tộc Mông. Chợ phiên trở thành nét đẹp đại diện cho vùng đất Hang Kia, Pà Cò. Không gian văn hóa chợ phiên luôn được bảo tồn và phát triển vừa giúp đồng bào có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, đồng thời tạo không gian để khách du lịch tìm hiểu các giá trị văn hóa của địa phương. 

Thu Thủy

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu