Phần I: Tỉnh Hòa Bình qua các chặng đường lịch sử.
Chương I: Tỉnh Hòa Bình từ thời tiền sử đến trước năm 1886 và từ năm 1886 đến năm 1954.
Câu 1: Từ thời Hùng Vương dựng nước đến giữa thế kỷ XIX, Hoà Bình thuộc vùng đất, miền đất, đơn vị hành chính nào?
Đáp:
Nước Văn Lang do Hùng Vương dựng lên lúc bấy giờ có 15 bộ là: Giao Chỉ, Cửu Chân, Vũ Ninh, Việt Thường Thị, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thanh Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Nhật Nam, Hoài Hoan, Văn Lang và Cửu Đức. Địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày nay nằm trọn trong vùng Đông Nam của bộ Gia Ninh. Bộ Gia Ninh có vị trí: phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp với bộ Giao Chỉ và bộ Vũ Ninh, phía Đông Nam và phía Nam tiếp giáp với bộ Quân Ninh và bộ Cửu Chân, phía Bắc và Tây Bắc tiếp giáp với bộ Văn Lang, bộ Văn Lang là địa bàn trung tâm của nước Văn Lang.
Đến thời Bắc thuộc, địa bàn Hòa Bình nằm trong quận Vũ Bình. Đến thời nhà Tùy lập nền đô hộ thì Hòa Bình nằm trong huyện Long Bình và huyện Gia Ninh.
Đến thế kỷ thứ X, sau khi nước ta giành được độc lập, kết thúc một ngàn năm Bắc thuộc, Hòa Bình thuộc quận Phong Châu. Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La (năm 1010), Hòa Bình thuộc lộ Quốc Oai (bao gồm toàn bộ đất Hà Nội ngày nay). Dưới triều Trần, Hòa Bình thuộc đạo Lâm Tây - là khu vực rộng lớn gồm các tỉnh Lai Châu, Nghĩa Lộ, một phần tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, một phần tỉnh Hà Đông, Sơn Tây và tỉnh Hòa Bình ngày nay. Đến thời hậu Lê, Hòa Bình nằm trong phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hóa - Trấn Hưng Hóa bao gồm tỉnh Sơn La, Phú Thọ, một phần Hà Nội và tỉnh Hòa Bình ngày nay.
Từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, Hòa Bình thuộc các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội và Ninh Bình.
Câu 2: Tỉnh Hòa Bình được thành lập vào thời gian nào? Tên gọi tỉnh Hòa Bình có từ bao giờ?Đáp:
Ngày 22/6/1886, Kinh lược Bắc kỳ ký Nghị định thành lập tỉnh Mường. Lúc mới thành lập, tỉnh Mường có 04 phủ là: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ. Phủ Vàng An - huyện Đức An gồm 07 tổng: Tinh Nhúc, Vũ Vô, Cao Phong, Mỹ Khê, Bối Sơn, Cẩm Đái và Yên Lãng. Phủ Lương Sơn gồm 06 tổng: Kim Bôi, Gia Cát, Hòa Lạc, Phương Hạnh, Lý Lương và Thanh Dương. Phủ Lạc Sơn - huyện Lạc Thủy có 07 tổng, trong đó, Phủ Lạc Sơn gồm 4 tổng: Lạc Thiện, Lạc Nghiệp, Lạc Đạo, Lạc Thành; huyện Lạc Thủy gồm 3 tổng: Yên Lạc, Yên Thái, Yên Bình. Phủ Chợ Bờ gồm 05 châu: Đà Bắc, Mai Châu, Mộc Châu, Yên Châu, Phù Yên Châu.
Tỉnh Mường là tên gọi do thực dân Pháp đặt ra nhằm chia rẽ dân tộc. Tỉnh lỵ đặt tại Chợ Bờ, cho nên dân ta thường gọi là tỉnh Bờ. Ngày 29/11/1886, Tổng sứ Trung - Bắc kỳ ra quyết định chuyển tỉnh lỵ về Phương Lâm và đến tháng 4/1888, chính quyền thực dân Pháp mới chính thức đổi tên tỉnh Mường thành tỉnh Phương Lâm. Tỉnh lỵ đóng tại Phương Lâm (phía hữu ngạn Sông Đà). Nơi đây thường bị ngập lụt, giao thương khó khăn, cho nên ngày 27/12/1888, theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Tỉnh lỵ lại dời từ Phương Lâm lên Chợ Bờ. Đêm 29, rạng ngày 30 tháng giêng năm 1891, nghĩa quân Đốc Ngữ tiến công Chợ Bờ, giết chết tên Công sứ Ru-giơ-Ry. Chiến thắng của Đốc Ngữ làm náo động bọn thực dân, chính quyền tay sai của thực dân Pháp phải tính đường chuyển lỵ sở đi nơi khác. Đến ngày 05/9/1896, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định chuyển lỵ sở tỉnh lỵ về làng Vĩnh Diệu, xã Hòa Bình (phía tả ngạn sông Đà), từ đấy tỉnh mang tên là tỉnh Hòa Bình.
Khi chính thức mang tên Hòa Bình, tỉnh gồm 4 châu là: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Mai Đà và Lạc Sơn (bao gồm cả huyện Lạc Thủy)1.
Câu 3: Sơ lược chung về các dân tộc chủ yếu sinh sống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình?
Đáp:
Theo số liệu Cục Thống kê tỉnh Hòa Bình, tính đến năm 2016 dân số toàn tỉnh ước là 831.332 người, trong đó dân tộc Mường là 548.535 người (chiếm khoảng trên 65%), dân tộc Kinh là 200.520 người (chiếm khoảng 24%), dân tộc Thái là 33.145 người (chiếm khoảng 4%), dân tộc Tày là 25.236 người (chiếm khoảng 3%), dân tộc Dao là 16.870 người (chiếm khoảng 2%), dân tộc H’Mông là 6.418 người (chiếm khoảng 0.8%), còn lại là các dân tộc khác.
* Người Mường:
Là cư dân bản địa, có nguồn gốc lâu đời, là chủ nhân đầu tiên của vùng đất Hòa Bình. Hiện nay, người Mường cư trú ở hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình, chiếm trên 65 % dân số toàn tỉnh. Người Mường có nguồn gốc tổ tiên cùng với người Kinh (Căn cứ các tài liệu ngôn ngữ học, nhân chủng học, dân tộc học và khảo cổ học). Tổ chức xã hội cổ truyền của người Mường theo chế độ Lang Đạo. Người Mường sống ở vùng đồi thấp, gần sông suối, có truyền thống sống sinh hoạt gắn với đồng ruộng ở các thung lũng chân núi, sớm biết làm thủy lợi, đắp đập để lấy nước. Một trong những nét nổi bật của cộng đồng người Mường xưa và nay là sự cố kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
* Người Kinh:
Người Kinh đến Hòa Bình rải rác vào nhiều thời điểm khác nhau, trong đó có 2 thời điểm quan trọng nhất là từ nửa sau thế kỷ XVIII và những năm 60 của thế kỷ XX. Trong sản xuất và đời sống, người Kinh ở Hòa Bình không có sự khác biệt với người Kinh ở đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên đã có sự giao thoa khá lớn về kinh tế và văn hóa với đồng bào các dân tộc bản địa.
* Người Thái:
Tổ tiên người Thái ở Mường Khước - Pước Hà (Bắc Hà - Lào Cai ngày nay). Hiện nay người Thái ở Hòa Bình sinh sống tập trung tại huyện Mai Châu, có cùng nguồn gốc từ một nhóm Thái Trắng ở Tây Bắc. Người Thái đến định cư ở Hòa Bình từ khoảng thế kỷ XIII. Người dẫn người Thái đến Mường Mùn, Mường Mai (Mai Châu) là Lang Bôn. Thời phong kiến, Người Thái sống dưới chế độ Phìa Tạo. Dòng họ quý tộc cũ ở Mai Châu là Hà Công. Đất của người Thái Mai Châu xưa chia làm 3 Mường lớn là: Mai Thượng, Mai Hạ và Mường Pa. Người Thái có chữ viết rất sớm nên có tài sản văn học khá phong phú. Như người Mường, người Thái sống ven các sông, suối, có kỹ thuật canh tác lúa nước lâu đời. Bản của người Thái là một cộng đồng có tổ chức, là nơi cố kết các gia đình.
* Người Dao
Người Dao hiện nay sinh sống tập trung ở huyện Đà Bắc, một phần thuộc các huyện Kim Bôi, Mai Châu, Cao Phong, Kỳ Sơn, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình. Ở tỉnh Hòa Bình có 2 nhóm người Dao sinh sống là: Dao quần chẹt hay còn gọi là Dao Tam Đảo, từ Tam Đảo đến mà thành tên (phụ nữ mặc quần chật, bó sát đến gối, dưới gối cuốn xà cạp bó bắp chân làm đẹp) và Dao Tiền (Phụ nữ mặc váy, khăn, áo được trang trí bằng các xâu tiền cổ, nam giới có tục đeo tiền ở phía sau). Thời phong kiến, đồng bào Dao thường sống trên núi cao, du canh, du cư, khi xâm chiếm nước ta, thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp cắt đất có vùng đồng bào Dao để thành lập các Động, với bộ máy cai quản là Chánh quản, Khán động. Người Dao có chữ viết gốc Hán được Dao hóa (chữ Nôm Dao); phong tục thờ tổ tiên là Bàn Hồ và vẫn giữ được những nét bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo của dân tộc mình như phong tục Tết Nhảy, Cấp sắc, duy trì học chữ cổ trong gia đình, dòng họ...
* Người Tày:
Người Tày2 là một cộng đồng dân cư của dân tộc Thái du cư từ phía Bắc - các tỉnh Lai châu, Sơn La - xuống Hoà Bình, hiện chưa xác định chính xác được thời gian. Người Tày sinh sống chủ yếu ở Đà Bắc (gọi tắt là người Tày Đà Bắc) tập trung ở một số xã vùng cao như: Tân Minh, Tân Pheo, Đoàn Kết, Trung Thành, Mường Chiềng, Đồng Chum, Suối Nánh và Đồng Nghê. Dân tộc Tày Đà Bắc có nhiều nét tương đồng với văn hóa của Người Thái vùng Tây Bắc nói chung, huyện Mai Châu nói riêng, có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đa thần và lập bàn thờ Quan âm Bồ tát. Người Tày Đà Bắc có ngôn ngữ và chữ viết theo hệ chữ "Thái" truyền thống riêng. Bộ chữ viết tuy có rất sớm, nhưng văn hóa bác học còn chưa phát triển thật rõ nét, trong khi văn hóa dân gian phát triển sâu rộng. Cũng như người Thái trước năm 1945 xã hội người Tày Đà Đắc cùng chịu ảnh hưởng của chế độ Phìa Tạo. Người Tày Đà Bắc có các họ Lường, Sa, Xa, Hà, Đinh, Vì , Lò; dòng họ được coi là cao quý trong xã hội cổ truyền người Tày là dòng họ Xa.
* Người H’Mông:
Người H’Mông là tộc người di cư vào Việt Nam, sớm nhất khoảng 300 năm và muộn nhất là trên 100 năm về trước. Có 5 nhóm chính, phân biệt dựa theo trang phục: H’Mông Hoa (H’Mông Lềnh), H’Mông Đen (H’Mông Đu), H’Mông Trắng (H’Mông Đơ), H’Mông Xanh (H’Mông Súa), H’Mông Đỏ (H’Mông Si). Người H’Mông ở tỉnh Hòa Bình sinh sống tập trung ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò (thuộc huyện Mai Châu). Người H’Mông Hoa sống ở xã Hang Kia và người H’Mông Đen sống chủ yếu ở xã Pà Cò. Người H’Mông ở Hòa Bình vốn từ Mộc Châu (Sơn La) di cư đến vùng đất của người Thái Mường Pa. Ngôn ngữ sử dụng thuộc nhóm Mông – Dao, ngữ hệ Hán – Tạng. Do có đặc tính chung là cư trú tách biệt và không thích kết hôn với người khác dân tộc, nên các bản của họ chủ yếu là người thuần H’Mông. Người H’Mông theo chế độ phụ hệ, là người cùng họ thì cho dù khác huyện, khác tỉnh, thậm chí nước khác cũng không được kết hôn với nhau. Người H’Mông giỏi làm nương rẫy và chế tạo công cụ lao động. Người H’Mông thờ tổ tiên và thần linh theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Ngày nay, người H’Mông vẫn lưu giữ nhiều tập tục cổ xưa như: sống tách biệt, nhà đất thấp, tường rào bằng đá hay tục cướp vợ (tuy nhiên chỉ còn hình thức, trai H’Mông đi cướp vợ đã có sự thỏa thuận của đôi nam nữ từ trước )…
Câu 4: Địa thế, địa hình tỉnh Hòa Bình được phân chia thành các vùng như thế nào?
Đáp:
Núi rừng Hòa Bình có địa thế, địa hình khá hiểm trở, chia thành hai tiểu vùng:
Tiểu vùng thứ nhất, trải dài từ Đà Bắc qua Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu nối với miền núi thượng du tỉnh Thanh Hóa. Đó là vùng núi cao nối tiếp giữa dãy Hoàng Liên Sơn và dải Trường Sơn. Vùng này có độ cao trung bình 400-500m, có nhiều ngọn núi cao, rừng rậm.
Tiểu vùng thứ hai, bao gồm các huyện từ Kỳ Sơn, Lương Sơn xuống đến Lạc Thủy. Đây là vùng núi thấp có độ cao trung bình trên 100m, chủ yếu là núi đá vôi, nhiều hang động và rừng thứ sinh, đồi thấp. Địa hình bị chia cắt bởi nhiều thung lũng, hàng trăm con suối lớn nhỏ. Xen giữa các dãy núi có những thung lũng trải rộng, kéo dài thành những cánh đồng tương đối bằng phẳng và các triền bãi ven sông.
Câu 5: Tỉnh Hòa Bình có những ngọn núi nào cao trên 1000m so với mặt nước biển?
Đáp:
1- Núi Phu Canh (Đà Bắc), cao 1373m.
2- Núi Phu Yúc (Đà Bắc), cao 1373m.
3- Núi Đức Nhàn (Đà Bắc), cao 1320m.
4- Núi Biêu (núi Biều - Đà Bắc), cao 1196m.
5- Núi Hêu (Đà Bắc), cao 1162m.
6- Núi Phu Bua (Đà Bắc), cao 1078m.
7- Núi Mường Chiềng (Đà Bắc), cao 1011m.
8- Núi Spai Linh (Mai Châu), cao 1287m.
9- Núi Thạch Bi (núi Khụ Piệng - Tân Lạc), cao 1108m.
10- Núi Toàn Thắng (Tân lạc), cao 1105m.
11- Núi Võ Ba (Lương Sơn), cao 1050m.
12 - Núi Cốt Ca (Lạc Sơn) cao 1073m.
Câu 6: Tỉnh Hòa Bình có những con sông lớn nào?
Đáp:
Hòa Bình có 4 con sông lớn chảy qua, đó là:
Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua tỉnh Lai Châu, Sơn La và qua địa phận tỉnh Hòa Bình 151km. Công trình Thủy điện Hòa Bình được xây dựng đã ngăn sông Đà tại đoạn thành phố Hòa Bình. Từ đập Thủy điện Hòa Bình trở lên tới Mường La tỉnh Sơn La đã trở thành lòng hồ sông Đà.
Sông Bôi dài 66 km bắt nguồn từ xã Tú Sơn, Nật Sơn, Hùng Tiến huyện Kim Bôi, chảy qua huyện Kim Bôi, Lạc Thủy và đổ vào sông Đáy tại xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Sông Bưởi dài 130 km là thượng nguồn của sông Con được hình thành từ 3 nhánh chính. Nhánh suối Cái bắt nguồn từ xã Phú Cường huyện Tân Lạc; nhánh suối Bin khởi nguồn từ giữa hai xã Trung Hòa và Mỹ Hòa huyện Tân Lạc; nhánh suối Yên Điềm bắt nguồn từ vùng Cộng Hòa đổ về Yên Phú và gặp nhau tại Vụ Bản (huyện Lạc Sơn) và đổ về sông Mã tại Vĩnh Lộc - Thanh Hóa.
Sông Bùi là chi lưu lớn của sông Tích, có chiều dài 9 km, bắt nguồn từ dãy núi cao xã Trường Sơn (Lương Sơn), chảy qua các xã Cao Răm, Tân Vinh, thị trấn Lương Sơn và xã Nhuận Trạch rồi chảy vào sông Đáy thuộc địa phận huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Đây là con sông ngắn và có độ dốc lớn.
Câu 7: Tại sao nói tỉnh Hòa Bình là trung tâm đồng bào Mường của cả nước?
Đáp:
Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Mường đã sống tập trung tại vùng đất Hòa Bình. Dưới thời Lê, Lý, Trần, Nguyễn, đồng bào dân tộc Mường sống tập trung ở Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng và Mường Động; ngoài ra còn sống ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Khi xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp cắt đất có vùng đồng bào Mường sinh sống thành lập tỉnh Mường vào năm 1886. Từ năm 1886 -1945, đồng bào Mường ở Hòa Bình chiếm trên 50 % đồng bào dân tộc Mường của cả nước.
Từ năm 1945 đến nay, tỷ lệ đồng bào Mường sống ở Hòa Bình vẫn chiếm khoảng trên dưới 40% số lượng đồng bào Mường của cả nước. Ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, đồng bào Mường vẫn chiếm đa số so với các dân tộc khác.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số của Tổng cục Thống kê công bố, vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2009 dân số Việt Nam là 85.846.997 người, trong đó dân tộc Mường là 1.268.963 người (chiếm 1,5% dân số cả nước). Cũng theo nguồn này, dân số tỉnh Hòa Bình là 785.217 người, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số toàn tỉnh, khoảng 495.000 người. Như vậy tại thời điểm năm 2009, dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình chiếm khoảng 40% số lượng người Mường của cả nước.
Câu 8: Chế độ Lang Đạo là một chế độ xã hội như thế nào?
Đáp:
Chế độ Lang Đạo từ thời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Lang là người đứng đầu các Mường lúc đó gọi là tù trưởng. Điều này được thể hiện rõ trong “Đại Việt Sử ký toàn thư”: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là nước Văn Lang..., Đặt tướng văn là Lạc Hầu, đặt tướng võ là Lạc Tướng, con trai Vua thì gọi là Quan Lang, con gái Vua thì gọi là Mị Nương...”.
Ban đầu khi mới hình thành, chế độ Lang Đạo còn gần gũi với nhân dân, đóng vai trò là Tù trưởng, Thủ lĩnh. Lang coi dân như con, đối xử rất tốt, Lang dạy cho dân canh tác, cách làm nhà sàn; Lang dành một phần ruộng tốt cho người hầu và dân trồng trọt; dân tự nguyện suốt đời chịu sự cai quản của Lang.
Trong quá trình giành nghiệp bá vương, Vua Đinh Bộ Lĩnh đã dựa vào sự giúp đỡ của các thổ lang. Vì thế khi lên ngôi vua ở Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng đã xuống chiếu quy định các Quan Lang được cha truyền con nối, ba tháng phải nộp thuế một lần và thay nhau vào chầu Vua, đồng thời có quyền đặt ra luật lệ nhà Lang để tăng cường quyền lực thống trị người dân.
Trải qua hàng ngàn năm, chế độ Lang Đạo tập trung cho mình quyền tuyệt đối về sở hữu tư liệu sản xuất, thậm chí cả người dân của mình, dẫn đến độc quyền trong phân phối sản phẩm. Dân Mường phải lệ thuộc và trở thành nông nô, lao động cho các nhà Lang.
Chế độ Lang Đạo là một chế độ xã hội bảo thủ, trì trệ, tàn bạo có ở tỉnh Hòa Bình trước năm 1945. Lang, Đạo có quyền như một lãnh chúa cai quản một vùng nhất định, có bộ máy giúp việc là các Ậu. Trong chế độ Lang Đạo, tầng lớp thống trị là Lang, Đạo (gọi là quan Lang), tầng lớp bị trị là nhân dân lao động. Để thống trị nhân dân lao động, Lang, Đạo đặt ra luật lệ nhà Lang, người dân lao động phải phục tùng tuyệt đối luật lệ nhà Lang “thượng ngọn cây, hạ ngọn cỏ, con thú trên rừng, con cá dưới nước đều là của Lang”.
Thực dân Pháp xâm lược nước ta (năm 1858), khi xâm chiếm vùng đất Hòa Bình, đối với đồng bào Mường, chúng vẫn duy trì chế độ Lang Đạo, sử dụng các lang, đạo làm tay sai và bổ nhiệm giữ các chức vụ trong hệ thống chính quyền của thực dân Pháp như: Tuần phủ, Tri châu, Phó tri châu, Chánh tổng, Phó tổng, Lý trưởng, Phó lý,... để thống trị và bóc lột nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã đứng lên đánh đổ chế độ Lang Đạo, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng cuộc sống độc lập, tự do, dân chủ của mình.
Câu 9: Tổng Kiêm, Đốc Bang là nhân vật lịch sử như thế nào?
Đáp:
Một trong những cuộc chiến đấu có ý nghĩa tiêu biểu nhất cho tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình trước khi có Đảng lãnh đạo là cuộc nổi dậy của nhân dân Kỳ Sơn, Lương Sơn do Tổng Kiêm và Đốc Bang chỉ huy. Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm, Đốc Bang tên là Nguyễn Đình Nguyên. Hai ông quê ở xã Mông Hóa, tổng Mông Hóa, châu Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình. Do không chịu nổi những hành động man rợ của chính quyền thực dân tay sai thực dân Pháp mà đứng đầu là tên Tuần phủ Đinh Công Nhung, hai ông đã tuyên truyền gây dựng lực lượng và tổ chức nhân dân đứng lên chống Pháp. Ngày 15/4/1909, Tổng Kiêm và Đốc Bang làm Lễ tế cờ ở xã Mông Hóa với khẩu hiệu “Nam sơn Hoàng bà3, khởi nghĩa bình Tây, độc lập chính phủ”. Chiến công đầu cũng là chiến công vang dội nhất diễn ra đêm ngày 02/8/1909, nghĩa quân đã tập kích tỉnh lỵ Hòa Bình, giết chết tên Giám binh Se-nhô (Chaigueau), phá trại giam, giải thoát nhiều người bị giặc giam cầm, thu 150 súng trường, 35.000 viên đạn,... gây nỗi kinh hoàng cho bọn đầu sỏ thực dân ở Bắc kỳ.
Địa bàn hoạt động của Nghĩa quân bao gồm cả miền Sơn Tây, Hòa Bình nhưng căn cứ chính vẫn là vùng Mông Hóa (Kỳ Sơn). Địch tập trung quân bao vây song không dám đánh vào căn cứ của nghĩa quân mà chỉ chặn đường tiếp tế lương thực, thực phẩm. Do được nhân dân ủng hộ, bảo vệ, mặc dù bị thực dân Pháp bao vây, đàn áp, song cuộc khởi nghĩa vẫn kéo dài hơn 5 tháng mới tan rã.
Cuộc khởi nghĩa thất bại, song tên tuổi Tổng Kiêm, Đốc Bang mãi mãi là niềm tự hào trong trang sử vàng chống giặc ngoại xâm của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Câu 10: Đốc Tam là nhân vật lịch sử như thế nào?
Đáp:
Quách Tất Ngân (1845-1905) là viên quan lang cỡ nhỏ được cử lên Lạng Sơn làm chức Hiệp quan từ năm 1876-1879. Vốn có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, khi được cử làm Đốc binh đã quay về Chợ Đập (xã An Bình - Lạc Thủy ngày nay) phất cờ khởi nghĩa (nên ông còn thường được gọi là Đốc Tam hoặc Tám Đập).
Năm 1885, Vua Hàm Nghi ra “Chiếu Cần Vương”, Đốc Tam tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân ở vùng Mường Đập để giúp Vua cứu nước. Ông đã huy động nhân dân làng Bình Lương (An Bình ngày nay) đào hào, đắp luỹ chắn ngang cửa núi Đồng Bông để ngăn cản sự tiến công của quân Pháp. Với vũ khí thô sơ, với lòng yêu nước, thương dân, nghĩa quân Tám Đập đã dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở, với lối đánh du kích, thoắt ẩn, thoắt hiện để trường kỳ chiến đấu suốt 6 năm ròng (từ 1886-1892), gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Tiêu biểu nhất là trận phục kích đánh địch tại chợ Đập, giết chết tên quan Hai Phô-gie và nhiều binh lính khác. Sau trận này, giặc Pháp phải tăng cường lực lượng cho đồn binh Chi Nê, mở nhiều cuộc tấn công ác liệt để đánh dẹp nghĩa quân; song chúng đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Nghĩa quân của Đốc Tam còn mở rộng vùng hoạt động liên kết với Cai Mạo (Hà Văn Mao) ở Thanh Hoá, Lãnh Trang ở Ninh Bình, tham gia vào cuộc khởi nghĩa Ba Đình do Đinh Công Tráng chỉ huy.
Dùng vũ lực không thành, quân Pháp đã sử dụng chiêu bài mị dân, dùng triều đình phong kiến nhà Nguyễn triệu Đốc Tam về kinh đô Huế để phong tước, nghĩa quân mất người chỉ huy nên dần dần tan rã. Do chế độ phong kiến đã đến kỳ suy tàn, các cuộc khởi nghĩa hưởng ứng Chiếu Cần Vương đều bị thất bại. Tuy vậy, những chiến công của nghĩa quân Đốc Tam gắn với những địa danh như Vũng Cốt, Vũng Mây, Đồng Bông, Đồng Bầu, Đồng Bắn, Cửa Luỹ, Quèn Mu, Vó Hối,… mãi là niềm tự hào của nhân dân tỉnh ta.
Cuộc khởi nghĩa do Đốc Tam chỉ huy là một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của nhân dân miền núi nói chung, vùng sâu vùng xa của tỉnh Hòa Bình nói riêng chống lại sự cai trị của thực dân Pháp và sự áp bức của chế độ phong kiến.
Câu 11 : Thành phố Hòa Bình có đường phố mang tên Đốc Ngữ, ông là nhân vật lịch sử như thế nào?
Đáp:
Đốc Ngữ tức Nguyễn Đức Ngữ, hoặc Nguyễn Đình Ngữ, quê ở xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).
Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm, phải làm nghề chèo đò kiếm sống từ nhỏ. Ông bị sung quân triều đình Huế, giữ chức Đốc binh nên thường được gọi là Đốc Ngữ. Sau khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, ông theo nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp hưởng ứng “Chiếu Cần Vương” của Vua Hàm Nghi đứng lên chống Pháp ở vùng Tây Bắc. Ông đóng quân ở Ba Vì, phối hợp cùng Đề Kiều ở vùng Cát Trù, Cẩm Khê. Địa bàn hoạt động chống Pháp của nghĩa quân Đốc Ngữ rất rộng, bao gồm các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Hòa Bình, với số lượng lên tới 700 người lúc cao nhất, được trang bị tương đối tốt.
Trong hơn ba năm, từ 1889-1892, cả dải sông Đà từ Mai Châu, Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lương Sơn,... là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Đốc Ngữ (nên còn được gọi là nghĩa quân Sông Đà). Được nhân dân các dân tộc Mường, Dao, Thái,... ủng hộ, nghĩa quân Đốc Ngữ đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề như trận tập kích thành Sơn Tây, Yên Lãng,... Táo bạo và vang dội nhất là trận tập kích vào tỉnh lỵ Chợ Bờ. Được sự giúp đỡ của Tuần Phủ Đinh Tộ và một số quan lang châu Đà Bắc, hơn 500 nghĩa quân Đốc Ngữ đã tấn công vào Tòa Công sứ, đồn Chợ Bờ ngày 30/01/1891, giết tên Phó sứ Ru-giơ-ri (Rougery) và tên Chánh quản Di-e-lơ (Ziegler) làm chủ tỉnh lỵ. Thực dân Pháp ở Hà Nội vô cùng bàng hoàng, binh lính phải cấm trại, nhiều nhà hàng, hiệu buôn đóng cửa. Sau chiến thắng Chợ Bờ, Yên Lãng, thanh thế của nghĩa quân lên rất mạnh; căn cứ Chợ Bờ cùng với Yên Lãng, Ba Vì trở thành 3 căn cứ mạnh của nghĩa quân Sông Đà.
Năm 1891-1892, quân Pháp tập trung một lực lượng lớn với hàng trung đoàn lính viễn chinh cùng ngụy quân tìm cách tiêu diệt nghĩa quân. Bị bao vây liên tục, nghĩa quân Đốc Ngữ gặp nhiều khó khăn phải vượt sông Đà, sông Mã vào Thanh Hóa tìm cách liên lạc với nghĩa quân Tống Duy Tân (khởi nghĩa Hùng Lĩnh), song không thành. Đốc Ngữ phải vượt vòng vây trở về miền sông Đà. Tháng 8/1892 ông bị rơi vào tay giặc và đã hy sinh anh dũng. Nghĩa quân Sông Đà dưới sự lãnh đạo của Đốc Ngữ bị tan rã, song tên tuổi của ông và những chiến sỹ vô danh khác còn sống mãi với núi rừng Tây Bắc, với nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Câu 12: Tư tưởng cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam được truyền tới Hòa Bình lần đầu tiên vào thời gian nào?
Đáp:
Đầu tháng 8/1929, đồng chí Đào Gia Lựu, một cán bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Định làm nghề dạy học bị thực dân Pháp nghi ngờ là hoạt động cộng sản. Chúng đối phó bằng cách cách ly đồng chí khỏi Nam Định - một trong những trung tâm phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ, điều đồng chí lên dạy học tại miền núi thuộc châu Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nhân việc đó, Tỉnh ủy Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định giao cho đồng chí nhiệm vụ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, gây dựng cơ sở cách mạng ở địa bàn miền núi tỉnh Hòa Bình, hướng phát triển là đi vào đồng bào các dân tộc địa phương, lấy Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc thuộc địa, lấy chủ trương đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành độc lập cho đất nước, giải phóng nhân dân các dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột làm nội dung chủ yếu để tuyên truyền.
Thực hiện nhiệm vụ trên, khi đến Trường học Tức Tranh, xã Cộng Hòa một thời gian, thông qua mối quan hệ đồng nghiệp tại Vụ Bản, đồng chí đã tuyên truyền được một số giáo viên miền xuôi lên dạy học tại vùng này, đó là thầy giáo Đạt dạy tại Trường Tổng Yên Lạc (Nho Quan, Ninh Bình), nay là xã Lạc Thịnh (Yên Thủy, Hòa Bình). Qua thầy giáo Đạt, đồng chí đã giác ngộ được anh Dương Công Tố một thanh niên học sinh người dân tộc Mường ở Lạc Thịnh. Đồng thời, đồng chí cũng tìm cách gây ảnh hưởng trong một vài lang đạo địa phương ít nhiều có tinh thần dân tộc như ông Quách Điêu (tức Đồ Gàn) là Lang ở Mãn Đức,...
Công việc tuyên truyền, chuẩn bị điều kiện cụ thể để tiến tới xây dựng về mặt tổ chức đang trên đà thuận lợi thì cuối năm 1929, do một vụ khủng bố ở Nam Định, đồng chí Đào Gia Lựu bị bắt đưa về giam và xử án tại Tòa án Nam Định.
Sự kiện đồng chí Đào Gia Lựu đến hoạt động ở vùng Lạc Sơn mang ý nghĩa đánh dấu ánh sáng cách mạng đầu tiên của Đảng đã được truyền tới tỉnh Hòa Bình.
Câu 13: Tổ chức Cứu quốc đầu tiên ở tỉnh Hòa Bình được thành lập vào thời gian nào? do ai xây dựng?
Đáp:
Cuối năm 1942, đồng chí Phan Long được Xứ ủy Bắc kỳ cử lên Hòa Bình, tới Phố Vãng - Mai Đà, nay thuộc huyện Mai Châu để xây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây, có một số người từ Ninh Bình lên làm ăn buôn bán, trong đó có người khi ở Ninh Bình đã là quần chúng cách mạng. Qua nhân mối này, đồng chí Phan Long đã tuyên truyền giác ngộ được một số quần chúng là người miền xuôi lên làm ăn tại Phố Vãng. Trên cơ sở đó, một Tổ Cứu quốc tại Phố Vãng đã được thành lập gồm 5 tổ viên: Tạ Đức Dư, Nguyễn Văn Chưởng, Đinh Khuyến, Đinh Trọng Đạt và Nguyễn Văn Hàn. Đây là Tổ Cứu quốc đầu tiên tại tỉnh Hòa Bình. Tổ được giao nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển lực lượng tại phố Vãng và trên trục đường 15, một vị trí quan trọng ở vùng cao phía Tây Bắc tỉnh Hòa Bình.
Câu 14: Ảnh hưởng của Chi bộ cộng sản Nhà tù Hòa Bình với phong trào cách mạng tỉnh ta?
Đáp:
Nhà tù Hoà Bình do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 tại phố Đúng, thị xã Hoà Bình (nay là thành phố Hoà Bình) với diện tích 1.500m2 để giam giữ tù thường phạm. Đầu năm 1943 thực dân Pháp quyết định chuyển trên 200 tù chính trị chúng cho là “nguy hiểm” có án tù từ 5 năm trở lên từ nhà tù Sơn La và một số nơi khác về giam giữ tại Nhà tù Hoà Bình. Từ đó thực dân Pháp đã biến Nhà tù Hoà Bình là nơi trước đây chuyên giam giữ tù thường phạm thành nơi giam giữ tù chính trị.
Nắm được ý đồ của thực dân Pháp, Chi bộ nhà tù Sơn La đã quyết định tách chi bộ làm hai và cử đồng chí Lê Đức Thọ làm Bí thư chi bộ nhà tù Hoà Bình. Khi thực dân Pháp chuyển tù chính trị về giam giữ ở Hoà Bình, Chi bộ nhà tù Hoà Bình đã nhanh chóng đi vào hoạt động, tích cực tuyên truyền phát triển lực lượng cách mạng trong và ngoài nhà tù. Chi bộ đã thành lập một số ban như: Uỷ ban nhà tù, Ban kinh tế, Ban cứu tế, Ban khánh tiết, Ban tuyên truyền và ra một tờ báo viết tay lấy tên là báo “Bình Minh”, mỗi tháng/kỳ.
Chi bộ Nhà tù đã tuyên truyền giác ngộ được một số thanh niên trí thức có nhiệt tình yêu nước trong hàng ngũ giáo viên, y tá ở thị xã Hòa Bình, trong đó có một thanh niên người dân tộc Mường là anh Nguyễn Văn Hậu và một vài công chức, binh lính, hạ sĩ quan trong khu vực công sở, doanh trại binh lính phía bờ trái sông Đà, từ đó phát triển rộng ra một số quần chúng ở khu vực xã Hòa Bình, Thịnh Lang và Phương Lâm. Nhiều cuộc đấu tranh ở khu vực thị xã và trong nhà tù Hoà Bình liên tiếp nổ ra và giành được thắng lợi lớn.
Chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Xứ uỷ Bắc Kỳ, Chi bộ Nhà tù Hoà Bình đã phát động và tổ chức thành công cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị. Chỉ trong vòng một tuần lễ, phần lớn tù chính trị tại Nhà tù Hoà Bình được thả tự do. Được cán bộ và quần chúng cách mạng thị xã Hòa Bình tích cực giúp đỡ, các đảng viên của Chi bộ đã trở về bắt liên lạc với Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, một số đồng chí được bổ sung cho lực lượng cách mạng của tỉnh Hoà Bình.
Chi bộ Nhà tù Hoà Bình có vai trò rất quan trọng đối với phong trào cách mạng của tỉnh Hoà Bình nói riêng và phong trào cách mạng của cả nước nói chung. Những quần chúng cứu quốc do Chi bộ nhà tù Hoà Bình tuyên truyền, giác ngộ đã trở thành những cán bộ cốt cán của phong trào cách mạng địa phương. Nhiều chiến sỹ cộng sản bị giam cầm nơi đây sau này đã trở thành những cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.
Di tích Nhà tù Hoà Bình đã được Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Câu 15: Ban Cán sự Đảng (tiền thân là Tỉnh ủy Hòa Bình) được thành lập vào thời gian nào? do ai làm Bí thư?
Đáp:
Cuối tháng 01/1945, đồng chí Vũ Thơ và đồng chí Vũ Đình Bản được triệu tập lên gặp đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tại Hạ Hòa, một cơ sở của Đảng ở Phú Thọ. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình gồm 2 đồng chí và cử đồng chí Vũ Thơ làm Bí thư. Đồng chí cũng truyền đạt nhiệm vụ chuẩn bị đón giải phóng quân Nam tiến từ Việt Bắc qua Phú Thọ, Hòa Bình vào Thanh Hóa..., chủ trương thành lập chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (bao gồm ba tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) và giao nhiệm vụ cho đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình tổ chức thực hiện.
Quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng đối với phong trào cách mạng ở Hòa Bình. Sự ra đời của Ban cán sự Đảng tỉnh đánh dấu sự trưởng thành, phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng của tỉnh, đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình. Từ đây phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình chính thức có Bộ tham mưu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo. Ban Cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình thành lập và sự ra đời của chiến khu Hòa - Ninh - Thanh trong thời điểm này đã thúc đẩy, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở Hòa Bình tiến lên một bước mới mạnh mẽ hơn nữa.
Câu 16: Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được thành lập vào thời gian nào? do ai làm Bí thư?
Đáp:
Tháng 5/1945, tại căn gác xép hiệu làm đồ mộc Phương Liên phố Đồng Nhân (nay thuộc phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình), đồng chí Vũ Thơ, thay mặt Ban Cán sự Đảng tỉnh đã tổ chức kết nạp ba quần chúng tích cực là Nguyễn Đình Khanh, Phùng Thị Hán, Đỗ Văn Phạn vào Đảng và thành lập Chi bộ đảng Thị xã; chỉ định đồng chí Nguyễn Đình Khanh làm Bí thư chi bộ. Đây là tổ chức cơ sở đảng đầu tiên của tỉnh Hòa Bình. Chi bộ đảng Thị xã Hoà Bình được thành lập đánh dấu bước phát triển vững mạnh về chất của phong trào cách mạng thị xã nói riêng và phong trào toàn tỉnh nói chung.
Câu 17: Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tỉnh Hòa Bình xây dựng được mấy chiến khu cách mạng? đó là những chiến khu nào?
Đáp:
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tỉnh Hòa Bình xây dựng được 4 chiến khu cách mạng đó là:
- Chiến khu cách mạng Hiền Lương - Tu Lý (châu Mai Đà - nay thuộc huyện Đà Bắc).
- Chiến khu cách mạng Mường Diềm (châu Mai Đà - nay thuộc huyện Đà Bắc).
- Chiến khu cách mạng Cao Phong - Thạch Yên (châu Kỳ Sơn - nay thuộc huyện Cao Phong).
- Chiến khu cách mạng Mường Khói (châu Lạc Sơn - nay thuộc huyện Lạc Sơn).
Câu 18: Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra thắng lợi ở tỉnh lỵ và các châu lỵ vào ngày tháng năm nào?
Đáp:
- Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra thắng lợi ở Châu lỵ Lạc Sơn ngày 20/8/1945.
- Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra thắng lợi ở thị xã Hòa Bình và châu đường Kỳ Sơn ngày 22/8/1945.
- Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra thắng lợi ở tỉnh lỵ vào ngày 23/8/1945.
- Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra thắng lợi ở châu Mai Đà tại Chợ Bờ ngày 25/8/1945.
- Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra thắng lợi ở châu lỵ Lạc Thủy ngày 25/8/1945.
- Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra thắng lợi ở châu lỵ Lương Sơn ngày 26/8/1945.
Câu 19: Nhân dân tỉnh Hòa Bình hưởng ứng cuộc vận động “Tuần lễ vàng” và xây dựng “Quỹ độc lập” như thế nào?
Đáp:
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, cuối năm 1945 Ban Cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời các cấp trong tỉnh tổ chức “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập”, động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái đóng góp tiền của giúp Chính phủ giải quyết khó khăn về tài chính và ủng hộ Nam bộ kháng chiến. Với lòng yêu nước nồng nàn, tin tưởng vào chế độ mới, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã tình nguyện đem vàng, bạc, đồ đồng và tài sản riêng của mình như nhẫn vàng, vòng bạc, hoa tai,... ủng hộ nước nhà. Riêng thị xã Hòa Bình, nhân dân đã ủng hộ hàng chục lạng vàng, bạc trắng, 500kg đồng và hàng vạn đồng tiền Đông Dương; xã Tú Sơn, huyện Lương Sơn (nay thuộc huyện Kim Bôi) ủng hộ 2 lạng vàng; xã Hạ Bì, huyện Lương Sơn (nay thuộc huyện Kim Bôi) ủng hộ 1 lượng vàng,... Vật chất tuy không lớn nhưng đó là tấm lòng, là tình cảm của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình nguyện đem hết tinh thần, nghị lực và của cải để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Câu 20: Liệt sĩ đầu tiên của tỉnh Hòa Bình là ai?
Đáp:
Liệt sĩ đầu tiên của tỉnh Hòa Bình là Trung đội phó Trung đội Tự vệ thị xã Hòa Bình Ngô Văn Thục. Anh đã hy sinh trong trận chiến đấu bao vây, tiêu diệt bọn phản động Đại Việt Quốc gia liên minh giả danh là bộ đội Tây Tiến chiếm châu lỵ Kỳ Sơn vào ngày 15/9/1945.
Câu 21: Người đảng viên dân tộc Mường đầu tiên của tỉnh Hòa Bình là ai ?
Đáp:
Người đảng viên dân tộc Mường đầu tiên của tỉnh Hòa Bình là đồng chí Nguyễn Văn Hậu (1920-2016).
Đồng chí Nguyễn Văn Hậu quê quán xã Thịnh Lang, huyện Kỳ Sơn (nay thuộc thành phố Hòa Bình). Sinh ra trong một gia đình nông dân bậc trung ở vùng ven tỉnh lỵ, lớn lên đồng chí Nguyễn Văn Hậu làm y tá ở Nhà thương Hòa Bình và phục vụ tại Nhà tù Hòa Bình. Đồng chí được giác ngộ cách mạng từ năm 1943 do Chi bộ nhà tù Hòa Bình tuyên truyền, giác ngộ. Đồng chí Nguyễn Văn Hậu và gia đình đã trở thành đầu mối liên lạc của Chi bộ nhà tù Hòa Bình với các cơ sở cách mạng thị xã Hòa Bình. Đồng chí vinh dự được Ban Cán sự Đảng tỉnh cử đi dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (Tuyên Quang) tháng 8/1945. Tháng 10/1945 đồng chí Nguyễn Văn Hậu được kết nạp vào Đảng và tháng 4/1946, được bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình và là Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh khóa đầu tiên. Tháng 5/1948 đồng chí Nguyễn Văn Hậu được bầu vào Tỉnh ủy Hòa Bình khóa I và được phân công làm Bí thư Đảng đoàn chính quyền. Từ năm 1949 đến năm 1959 là Tỉnh ủy viên. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (1/1959), đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Từ năm 1963 đến năm 1975, đồng chí là phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBHC tỉnh Hòa Bình. Từ năm 1976 đến năm 1980, đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sơn Bình.
Gia đình đồng chí Nguyễn Văn Hậu được Nhà nước tặng Bằng "Gia đình có công với nước". Đồng chí Nguyễn Văn Hậu được công nhận là "Cán bộ lão thành cách mạng" và được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhì.
Câu 22: Người Mường Hòa Bình trúng cử Đại biểu quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ai?
Đáp:
Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa người dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là đồng chí Quách Công Chẩm (1924-1983); quê quán xóm Khặng, xã Thượng Cốc, huyện lạc Sơn.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 6/1/1946, Ban cán sự Đảng tỉnh đã chỉ đạo Mặt trận Việt Minh, chính quyền các cấp tích cực tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, mục đích và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử thành công; trên cơ sở đó phát huy cao độ ý thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, tôn trọng thực sự quyền dân chủ của mỗi công dân. Ngày bầu cử 6/1/1946 diễn ra như một ngày hội của quần chúng ở thị xã, các thị trấn cũng như ở địa bàn nông thôn. Toàn tỉnh có 90% cử tri đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh tỉnh đề cử đã trúng cử với số phiếu cao. Đồng chí Quách Công Chẩm, một cán bộ Việt Minh đồng thời là nhân sĩ tỉnh Hòa Bình đã vinh dự được bầu là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Câu 23: Lần đầu tiên Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình vào thời gian nào?
Đáp:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đồn điền Chi Nê (nay thuộc thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy) ngày 21/02/1947.
Đồn điền Chi Nê của gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ chân khi Người đi công tác ở tỉnh Thanh Hóa tháng 02/1947. Vào khoảng 03h sáng 21/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đồn điền Chi Nê. Sáng 21/02-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Trưởng Ban Tài chính của Đảng, người trực tiếp chỉ đạo việc in tiền và gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện đã đến thăm Xưởng In tiền đặt tại đồn điền; thăm chợ Đầm Đa; thăm một số gia đình tại xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa. Thăm các cơ sở của đồn điền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn ông Đỗ Đình Thiện cần tìm ngay nơi sơ tán, đề phòng địch đánh phá. Thăm chợ Đầm Đa, Người nhắc nhở Ủy ban hành chính Phú Lão: “Phải rời ngay đến nơi kín đáo đề phòng máy bay giặc bắn phá”. Thăm một số gia đình đồng bào Mường tại xã Cố Nghĩa, Người động viên bà con: “Cố gắng tăng gia sản xuất làm ra nhiều ngô, lúa để ăn và ủng hộ kháng chiến”.
Đêm 21/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh dời đồn điền về chùa Một Mái (Quốc Oai). Sáng 22/02/1947, máy bay giặc Pháp đã tới ném bom oanh tạc đồn điền Đỗ Đình Thiện, nhưng Xưởng In tiền và Kho Bạc tại xóm Đồng Thung vẫn an toàn. Cán bộ, công nhân Nhà máy vẫn vững vàng, tích cực sản xuất, in tiền phục vụ nền tài chính nước nhà.
Câu 24: Thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất và lần thứ hai vào ngày, tháng, năm nào?
Đáp:
*Ngày 15-4-1947, thực dân Pháp bắt đầu tấn công đánh chiếm tỉnh Hoà Bình lần thứ nhất từ hai phía với ba cánh quân phối hợp: Cánh quân thứ nhất từ Hà Nội theo đường 6 tiến lên Phương Lâm, với một lực lượng 1 trung đoàn bộ binh cơ giới; Đồng thời địch dùng máy bay thả quân dù xuống Phương Lâm và Thịnh Lang. Hai lực lượng quân dù, quân bộ gặp nhau tại thị xã Hoà Bình rồi mở một mũi tiến quân từ thị xã theo đường 6 lên Bãi Sang (Mai Châu). Cánh quân thứ hai từ Sơn La xuôi đường 6 và hợp điểm với cánh quân thứ nhất tại Bãi Sang (Mai Châu). Cánh quân thứ ba từ Thượng Lào vượt Sông Mã, chiếm Vạn Mai rồi tấn công dọc theo đường 15 và bắt liên lạc với hai cánh quân trên từ Bãi Sang kéo vào Mai Châu. Sau khi chiếm đóng tỉnh Hòa Bình, tháng 5/1948, thực dân Pháp lập "Xứ Mường tự trị" với mục đích: Khôi phục lại chế độ nhà Lang, lôi kéo các Lang, Đạo có uy thế trong tỉnh chĩa mũi nhọn vào phong trào kháng chiến của nhân dân; đe dọa, làm nhu nhược tinh thần kháng chiến của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình; thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, nhất là dân tộc Mường với dân tộc Kinh, và với các dân tộc khác.
* Thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Hòa Bình lần thứ 2 vào cuối năm 1951 chia làm 2 đợt nối tiếp nhau: Đợt 1 bằng cuộc hành quân “Tuy líp” ngày 9/11/1951 đánh chiếm đường 21 và một phần huyện Lương Sơn. Đợt 2, trong 2 ngày 13 và 14/11/1951 bằng cuộc hành quân “Lô tuýt” đánh chiếm thị xã Hòa Bình, đường số 6 và triền sông Đà. Âm mưu của địch khi đánh chiếm tỉnh Hòa Bình lần thứ 2 là nhằm hút lực lượng chủ lực của ta vào nơi mà chúng đã bày sẵn thế trận để tiêu diệt; nối lại hành lang Đông - Tây, lập lại tam giác sắt Hà Nội - Sơn Tây - Hòa Bình; chặn đứng đường vận chuyển tiếp tế của ta lên Việt Bắc; ảnh hưởng chính trị để củng cố tinh thần ngụy quân ngụy quyền, tranh thủ thêm viện trợ của Mỹ.
Câu 25- Chiến công của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Triệu Phúc Lịch?
Đáp:
Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Triệu Phúc Lịch (1911-1947) là người dân tộc Dao, quê ở xóm Phủ xã Toàn Sơn huyện Đà Bắc, là Đội trưởng Đội du kích xã Toàn Sơn đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy đội du kích chiến đấu chặn đánh nhiều cuộc càn quét của giặc Pháp vào quê hương.
Ngày 10 tháng 9 năm 1947, được tin giặc Pháp ở đồn xóm Cháu (Tu Lí) huy động một trung đội lính lê dương trên 20 tên và lính dõng đi càn quét ở khu vực xã Toàn Sơn. Đội du kích xã Toàn Sơn do Triệu Phúc Lịch chỉ huy gồm 30 người đã nhanh chóng triển khai phương án mai phục đánh địch. Vũ khí của đội du kích là nỏ, cung tên tẩm thuốc độc, bẫy đá, cần bật bằng bương tre, bàn chông tre.... và súng trường, lựu đạn cướp được của giặc. Gần trưa bọn địch ồ ạt kéo đến. Chờ cho chúng lọt vào trận địa mai phục, Triệu Phúc Lịch hạ lệnh tiến công. Tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ giòn giã, hàng lọt mũi tên có tẩm thuốc độc bay tới tấp vào quân thù, bẫy đá từ lưng chừng núi đổ xuống đội hình giặc làm cho chúng hốt hoảng, chạy tán loạn. Đội du kích xã toàn Sơn đã tiêu diệt 14 tên địch, bắt sống 4 tên, thu 7 súng....
Bị đánh bất ngờ, tiến không xong, rút lui thì bị chặn “tiến thoái lưỡng nam”, quân địch tìm cách tháo chạy theo đường mòn qua suối Sâu để rút về Tu Lí. Biết được ý đồ của giặc, Triệu Phúc Lịch cho du kích truy đuổi với quyết tâm tiêu diệt sạch trung đội giặc. Triệu Phúc Lịch tay không rượt đuổi theo tên giặc chỉ huy rồi xông vào vật nhau, quật ngã tên lính lê dương ấy và nhanh chóng cướp được khẩu tiểu liên. Liền sau đó, anh phát hiện ra hướng rút lui của quân giặc chính là khu căn cứ của ta. Để đảm bảo bí mật cho khu căn cứ và an toàn cho lực lượng của đội du kích, anh đã đánh lạc hướng bằng cách chạy ngược lên nương lúa. Bọn giặc phát hiện liền đuổi theo và bắn anh bị thương nặng. Mặc dù vậy anh vẫn cố sức rút dao găm đâm tên lính đứng sát gần. Điên cuồng trước trước hành động anh dũng của Triệu Phúc Lịch, bọn giặc đã xả cả băng đạn vào người anh, người con ưu tú của đồng bào Dao xa Toàn Sơn đã anh dũng hy sinh.
Hành động dũng cảm của Triệu Phúc Lịch tay không cướp súng giặc, chiến đấu ngoan cường, hi sinh anh dũng đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, chiến thắng giặc Pháp của bà con đồng bào Dao nói riêng và của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình nói chung.
Liệt sĩ Triệu Phúc Lịch được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất. Ngày 11/6/1999, Liệt sĩ Triệu Phúc Lịch được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Anh hùng Triệu Phúc Lịch và đội du kích xã Toàn Sơn, UBND tỉnh Hòa Bình giao cho Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Hòa Bình chịu trách nhiệm xây dựng Đài tưởng niệm chiến công Đội du kích xã Toàn Sơn, Đài tưởng niệm được khánh thành vào ngày 02/9/1991.
Đài tưởng niệm chiến công của Đội du kích xã Toàn Sơn được xây dựng ngay chính nơi năm xưa Anh hùng Triệu Phúc Lịch đã ngã xuống và phần mộ của Anh được đặt ở vị trí cao nhất trong khuôn viên Đài tưởng niệm.
Câu 26: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất được tổ chức vào thời gian nào?
Đáp:
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ nhất diễn ra từ ngày 21-25/5/1948 tại làng Lập, xã Hạ Bì, huyện Lương Sơn (nay là xã Lập Chiệng, Huyện Kim Bôi). Dự Đại hội có 120 đại biểu đại diện cho 333 đảng viên ở 37 chi bộ trong toàn Đảng bộ.
Đại hội đề ra phương hướng, kế hoạch mọi mặt công tác chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh với các nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng lực lượng vững mạnh, đẩy mạnh chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, bảo vệ vùng tự do, khu căn cứ, phá âm mưu mở rộng chiếm đóng và bình định, phá “Xứ Mường tự trị” bịp bợm của địch, thu hẹp phạm vi bị chiếm đóng, tiến tới giành lấy quyền chủ động về quân sự, giải phóng đất đai. Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội chủ trương: Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên đi đôi với củng cố chi bộ một cách thường xuyên. Hướng phát triển nhằm vào những quần chúng tích cực thuộc thành phần cơ bản trong nhân dân các dân tộc, hết sức chú ý các dân tộc vùng cao, các xã ven sông Đà, có địa bàn đầu mối giao thông, ven đường giao thông lớn, trong lực lượng bộ đội, du kích, công an....
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá I gồm 11 đồng chí. Trong phiên họp đầu tiên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá I đã bầu 03 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Đồng chí Đào An Thái được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Quách Hy được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ và đồng chí Nguyễn Hữu Lê được bầu là Ủy viên Thường vụ Tỉnh uỷ.
Câu 27: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ II được tổ chức vào thời gian nào?
Đáp:
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ II diễn ra từ ngày 12-22/4/1951 tại xóm Đồng Lốc, xã Nật Sơn, huyện Lương Sơn (nay thuộc xã Sơn Thuỷ, huyện Kim Bôi). Dự Đại hội có 125 đại biểu thay mặt trên 2.000 đảng viên của toàn Đảng bộ.
Căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ chung và phán đoán âm mưu của địch đối với Hòa Bình, Nghị quyết Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ chính trị trong năm 1951 là: Kiện toàn Trung đoàn 12, phát triển, củng cố du kích xã, cố gắng trang bị, cấp dưỡng cho bộ đội địa phương; Tích cực chuẩn bị chiến trường; Tăng cường phòng, trừ gian để thực hiện việc bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân; Đẩy mạnh tăng gia sản xuất để cung cấp cho nhu cầu kháng chiến và nâng cao mức sống nhân dân; Tăng cường xây dựng Đảng bộ; tiến hành đợt vận động phê bình tự phê bình trong toàn Đảng bộ, chấn chỉnh tổ chức chi bộ, tích cực học tập lý luận, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ xã, chú trọng thành phần bần, cố nông, sửa đổi lề lối làm việc, chuẩn bị đưa Đảng ra công khai.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá II gồm 17 đồng chí (13 Ủy viên chính thức và 4 Ủy viên dự khuyết); Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá II được bầu gồm 05 đồng chí. Đồng chí Lê Đạm được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Đình Khanh làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
Câu 28: Trận đánh địch chống càn của đội du kích Yên Lương - Phú Lẫm bằng rượu cần lá ngón diễn ra như thế nào?
Đáp:
Ngày 30-10-1948, thực dân Pháp huy động một tiểu đoàn tập trung đánh vào Yên Lương - Phú Lẫm (huyện Lạc Sơn) quyết tiêu diệt bằng được lực lượng kháng chiến. Địch tiến quân theo hai mũi: 1 đại đội từ bốt Nghẹ (Lỗ Sơn - nay thuộc huyện Tân Lạc) theo đường Gia Mô tiến xuống, cánh quân còn lại khoảng 1 đại đội tăng cường từ Vụ Bản theo đường Định Cư (huyện Lạc Sơn) đi lên. Bộ đội và du kích phối hợp chặt chẽ, giữ được yếu tố bí mật bất ngờ, lúc đầu địch tiến quân thận trọng, không thấy sự phản ứng chúng chủ quan tiến sâu vào khu vực xóm Rảy.
Trận đánh diễn ra nhanh gọn bằng mưu kế của đồng chí Bùi Văn Tờn. Các đội viên du kích lấy lá ngón vò ra bỏ vào vò rượu cần đặt giữa nhà ông Bùi Văn Duỗn (Gò Rẽo). Khi tiến đến Gò Rẽo, quân địch lùng sục nhà ông Bùi Văn Duỗn, thấy vò rượu cần, chúng khiêng ra và cùng nhau uống. “Quan to uống trước, quan nhỏ uống sau; lính Tây uống trước, lính lang uống sau… hết chầu thứ nhất, đến chầu thứ hai, thứ ba. Từ quan tới lính trúng độc say lảo đảo”. Tranh thủ thời cơ, các đội viên du kích ở trận địa phục kích Gò Rẽo nổ súng, tung lựu đạn vào đội hình địch. Trong lúc ngộ độc rượu, bị đánh bất ngờ, địch hốt hoảng chạy ra hướng Chiềng Trặng bị sa vào trận địa phục kích khác của ta. Kết quả, 150 tên địch bị chết và bị thương, ba ngày sau quân địch còn chết thêm gần 100 tên nữa vì uống phải rượu cần lá ngón.
Trận chiến đấu chống càn ngày 30-10-1948 của du kích Yên Lương - Phú Lẫm đã trở thành hình mẫu cho toàn chiến trường Liên khu III học tập; gây tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào chiến tranh du kích phát triển trong toàn tỉnh Hòa Bình. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, đội du kích Yên Lương - Phú Lẫm được tặng thưởng Cờ luân lưu của Liên khu 3 và Bằng khen của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Hòa Bình.
Câu 29: Diễn biến, kết quả và ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952)?
Đáp:
Chiến dịch Hòa Bình mở màn ngày 10/12/1951 và kết thúc thắng lợi vào ngày 23/02/1952.
- Diễn biến: Ngày 18/11/1951, Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Hòa Bình. Cuối tháng 11 đầu tháng 12/1951, các Đại đoàn bộ đội chủ lực 320, 312, 304 và các đoàn dân công từ vùng địch tạm chiếm,... tiến quân vào Hòa Bình cùng quân dân địa phương làm công tác chuẩn bị, phục vụ chiến trường.
Ngày 10/12/1951, cuộc tiến công tiêu diệt địch tại mặt trận Hòa Bình bắt đầu. Trận Tu Vũ là trận then chốt mở màn chiến dịch. Sau đó, bộ đội ta tiến công các vị trí tại các cao điểm Ba Vì, sông Đà và đường 6.
Những trận tiến công trên các trục giao thông thủy, bộ của ta đã chặt đứt con đường chi viện, tiếp tế của địch, bao vây, cô lập các vị trí, nhất là cụm khu vực thị xã. Ngày 23-2-1952, địch bắt đầu rút chạy khỏi thị xã Hòa Bình, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích của ta truy kích, chặn đánh dọc Quốc lộ 6. Tại Thịnh Lang (thị xã Hòa Bình), 2 đại đội địch bị tiêu diệt. Tại Bến Ngọc (huyện Kỳ Sơn), nhiều ca nô bị bắn chìm, xe giặc bị bắn cháy. Trên các đoạn đường từ Phương Lâm đến Đầm Lấm, từ Cầu Dụ đến Xuân Mai, hơn một tiểu đoàn giặc bị tiêu diệt.
- Kết quả: Toàn chiến dịch ta tiêu diệt 6.012 tên địch, 156 xe các loại, 17 tàu chiến, ca nô, 24 đại bác, 9 máy bay, cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác.
- Ý nghĩa: Chiến dịch Hòa Bình đã đập tan kế hoạch chiếm đóng, âm mưu dựng lại “Xứ Mường tự trị” của giặc Pháp trên đất Hòa Bình; giải phóng 5.000 km2 đất đai khu vực Hoà Bình - sông Đà với gần 2 triệu dân; giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và 4; góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch; làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc bộ của thực dân Pháp.
Câu 30: Chiến công oanh liệt của Anh hùng diệt xe tăng Cù Chính Lan tại dốc Giang Mỗ - Bình Thanh trong Chiến dịch Hòa Bình?
Đáp:
Ngày 12/12/19514, tại Giang Mỗ (Bình Thanh – nay thuộc huyện Cao Phong) khi quân địch lọt vào trận địa, cả đơn vị nổ súng quyết liệt, diệt gọn 1 đại đội, lúc chuẩn bị rút quân thì xe tăng địch tiếp viện tới bắn dữ dội vào đội hình ta, chặn đường rút và gây thương vong. Cù Chính Lan nhảy lên xe tăng địch kề tiểu liên vào khe hở trên tháp xe bóp cò. Súng tiểu liên bị hóc đạn, chiếc xe vẫn vừa chạy vừa bắn. Cù Chính Lan tập trung hết lựu đạn của đồng đội rồi lại nhanh nhẹn nhẩy lên xe tăng địch, giật nắp quăng lựu đạn vào trong khoang điều khiển, địch trong xe nhặt lựu đạn ném ra và hốt hoảng lái xe chuyển hướng. Thời cơ diệt xe tăng địch ngay trước mắt, không thể để xe chạy thoát, Cù Chính Lan tiếp tục rút chốt lựu đạn, chờ cho lựu đạn xì khói đen vài giây rồi mới nhét vào buồng lái, lựu đạn nổ, những tên giặc trong xe chết đè lên nhau, chiếc xe tăng mang nhãn hiệu “B2885498 USA” dừng ngay tại chỗ, trận đánh kết thúc thắng lợi.
Chiến thắng oanh liệt tại dốc Giang Mỗ với tinh thần anh dũng của anh Cù Chính Lan và các chiến sĩ Tiểu đoàn 353 - Trung đoàn 66 đã mở đầu phong trào đánh xe tăng phương tiện chiến đấu hiện đại của giặc Pháp bằng vũ khí thông thường.
Ngày 29/12/1951 khi tham gia trận đánh ác liệt trên đường 6 đoạn Lương Sơn - Hòa Bình, mặc dù bị thương rất nặng nhưng anh Cù Chính Lan vẫn không rời trận địa chỉ huy tiểu đội liên tiếp phá 5 hàng rào dây thép gai vào lô cốt địch. Khi đồn địch đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Ngày 19/5/1952, anh được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng Liệt sỹ Cù Chính Lan sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh hy sinh ngày 29/12/1951 khi vừa 21 tuổi. Bia Liệt sĩ Cù Chính Lan đặt ở Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình.
Câu 31: Những công trình, tượng đài, đường phố nào của tỉnh Hòa Bình ghi dấu ấn chiến công của bộ đội Tây Tiến?
Đáp:
Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập vào tháng 2/1947. Chiến công của Trung đoàn 52 Tây Tiến đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc, đồng thời gắn liền với lịch sử hào hùng của mặt trận Tây Bắc, trong đó có tỉnh Hoà Bình và liên minh chiến đấu Việt - Lào trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong suốt quá trình hành quân và đánh địch gian khổ từ Hoà Bình đến Mường Lát - Thanh Hoá, sang Lào…Trung đoàn Tây Tiến luôn được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình cả về vật chất và tinh thần.
Ghi nhận những chiến công đó, tên của bộ đội “Tây Tiến” đã được đặt cho một số công trình, tượng đài, đường phố của tỉnh Hòa Bình, như:
- Đài tưởng niệm liệt sỹ Tây Tiến ở xóm Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn được xây dựng từ năm 1990 và được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào tháng 7/2012. Đây là nơi ghi dấu sự hy sinh của bộ đội Tây Tiến, với hơn 200 liệt sỹ đã yên nghỉ ở Châu Trang. Tiểu đoàn phó Nguyễn Như Trang - một thương binh nặng đã sáng tác nhạc phẩm đặc biệt “Tiếng cồng quân y” thay cho lời tiễn biệt đồng chí, đồng đội mình.
- Trường Tiểu học Tây Tiến: Trường Tiểu học xã Thượng Cốc trước đây được đặt theo tên của bộ đội Tây Tiến, bởi xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn là nơi đóng Quân y trạm của Trung đoàn 52 Tây Tiến và cũng là nơi đón hơn 200 liệt sỹ về với đất mẹ trong nghi thức “Áo bào thay chiếu anh về đất !” như lời nhà thơ chiến sỹ Tây Tiến Quang Dũng.
- Nhà bia Tây Tiến được xây dựng ở huyện Mai Châu. Đây là nơi ghi dấu Trung đoàn 52 buổi đầu thành lập đứng chân trên địa bàn Mai Châu. Hình ảnh của bộ đội Tây Tiến đã được nhà thơ Quang Dũng khắc hoạ đầy bi tráng trong bài thơ “Tây Tiến”:
“…Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
…Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”
- Tên “Tháp Tây Tiến” và đường “Tây Tiến”: “Tháp Tây Tiến” ghi công Trung đoàn 52 Tây Tiến được xây dựng tại khu vực chân dốc Cun thành phố Hòa Bình ngay điểm khởi đầu của con đường mang tên Tây Tiến. Đường Tây Tiến là đoạn đường từ phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình lên xã Bình Thanh, xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Đây chính là con đường bộ đội Tây Tiến lên chiến trường Tây Bắc và sang Lào năm xưa.
Câu 32: Những đóng góp của quân và dân tỉnh Hòa Bình trong chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ?
Đáp:
Chiến dịch Tây Bắc diễn ra từ ngày 14/10/1952 đến ngày 10/12/1952, quân và dân tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo thông suốt các tuyến đường từ hậu phương ra tiền tuyến cho bộ đội, dân công, các đoàn vận tải phục vụ chiến dịch. Đồng thời quân và dân tỉnh Hòa Bình còn đóng góp cho chiến dịch Tây Bắc: chuyển 5.000 tấn gạo ra mặt trận, huy động 230 xe đạp thồ và một số ngựa thồ. Vận chuyển đường thủy 6.000 tấn hàng, ủng hộ bộ đội 100 tấn gạo và nhiều thực phẩm khác.
Từ cuối năm 1953, toàn tỉnh đã triển khai các hoạt động phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tính chung, toàn tỉnh đã huy động 381.292 lượt dân công đi phục vụ chiến dịch, huy động 905 xe đạp thồ, vận chuyển 4900 tấn hàng từ Hòa Bình lên mặt trận, 170.000 người ở trong tỉnh xay giã 545 tấn thóc cho bộ đội. Cùng với sức người, quân dân trong tỉnh đã cung cấp cho mặt trận 39.517 kg thịt trâu, bò, 1.840 mét khối củi, hàng vạn cây tre, bương...
Câu 33: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân dân tỉnh Hòa Bình đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến như thế nào?
Đáp:
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Hòa Bình trở thành một trong những hậu cứ vững mạnh của chiến trường Liên khu III, chi viện sức người, sức của đến mức cao nhất phục vụ chiến trường chung; Đặc biệt, đã bảo vệ thành công con đường giao thông có ý nghĩa chiến lược giữa căn cứ địa Việt Bắc với Liên khu III, Liên khu IV.
Toàn tỉnh có 955 thanh niên các dân tộc tham gia quân đội; 414 liệt sỹ, 58 thương binh; cử 1.169 lượt người đi dân công, thanh niên xung phong phục vụ chiến trường với tổng số 2.543.620 ngày công; ủng hộ 708 con trâu bò, 4.720kg thịt lợn, 39.517 tấn thực phẩm khác, 600 tấn thóc gạo, 905 xe đạp thồ; cung cấp hàng chục triệu cây gỗ, bương, tre, nứa; vận chuyển 4.900.000 tấn hàng; 170.000 người xay giã 545 tấn thóc cho bộ đội và cung cấp cho mặt trận.
Quân và dân trong tỉnh đã chiến đấu, phối hợp chiến đấu 1.831 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 2.370 tên địch; phá hủy 18 khẩu trọng pháo, trung đại liên, 56 xe vận tải, 3 kho quân trang, quân dụng; thu 529 súng các loại, trong đó có 40 trung đại liên, 120.000 viên đạn các loại.
Cùng với thắng lợi về quân sự, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh còn giành được những thắng lợi to lớn trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là từng bước hạn chế, đi đến xóa bỏ hoàn toàn chế độ Lang Đạo với những đặc quyền tuyệt đối của giai cấp phong kiến; giải phóng nông dân thoát khỏi ách bóc lột, trói buộc nghiệt ngã của chế độ nhà Lang tồn tại từ bao đời.