DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

UBND tỉnh Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại Cao Phong

24/10/2022 791 0

Ngày 12/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2298/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong, huyện Cao Phong.

    

Một bản làng dân tộc Mường - điểm du lịch cộng đồng tại Cao Phong

Theo đó, chủ đầu tư là UBND huyện Cao Phong. Việc đầu tư dự án Xây dựng Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, nhằm lưu giữ đầy đủ các giá trị về cội nguồn văn hóa dân tộc, nền tảng văn hóa tinh thần dân tộc và khắc phục nguy cơ mai một giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Mo Mường Hòa Bình, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị của di sản trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Bảo tồn, tạo dựng cơ sở vững chắc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần, là động lực, nhân tố thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên phương diện kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao nguồn lực phát triển kinh tế -xã hội, đưa di sản Mo Mường trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu đặc sắc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung, Di sản văn hóa Mo mường có cơ hội trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh của huyện Cao Phong, mang tới cho cộng đồng địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.

    

Di sản văn hóa Mo mường có cơ hội trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh ( Ảnh sưu tầm – Nguồn: TTXVN)

Quy mô đầu tư xây dựng chủ yếu của dự án gồm các hạng mục:

 Khu Đền Bụt: Là kiến trúc nhà sàn của người Mường diện tích 125,3m2 gồm chính điện chiều dài khoảng 12,34m, rộng khoảng 8,82m và hậu cung kích thước (5,1x5,05)m, gầm sàn cao khoảng 1,8m để chống không xây tường, Sàn đền đến chân mái cao 2,27m; mái chéo bốn mặt cao 2,65m. Hành lang rộng 1,87m, cầu thang bộ lên từ bên. Khu Đền Bụt còn bao gồm các hạng mục phụ trợ như sân lát gạch đỏ diện tích khoảng 1000m, bồn hoa, cây cảnh diện tích khoảng 661m2, hệ thống đèn cây chiếu sáng và đèn trang trí. 

 Khu Cổng vào và quảng trường: bao gồm Nhà đón tiếp với kiến trúc nhà sàn của người Mường, tổng diện tích sàn khoảng 512.9m2, bao gồm không gian trưng bày vật phẩm quý giá, tượng trưng cho nền văn hóa Mo Mường, phòng tiếp khách và khu vực văn phòng. 

 Khu vực đỉnh núi Cối bao gồm các hạng mục Cột cờ: Sân cột cờ hình tròn đường kính 28m, kết cấu lát gạch đỏ; Chòi vọng cảnh (4 cái): Mỗi chòi vọng cảnh có kiến trúc hình lục giác kích thước 8,96x8,96m, tổng diện tích sàn khoảng 80 m2;  Sân vọng cảnh: Tổng diện tích khoảng 573 m2. Sân nền đất tự nhiên trồng cỏ.

Khu Vườn hoa núi Cối: Sân tổ chức lễ hội có tổng diện tích khoảng 3.500m2. San nền đất tự nhiên trồng cỏ. Sân có hàng rào bao quanh vườn hoa trồng bằng cây ngăn cách, nhà vệ sinh công cộng. 

 Địa điểm xây dựng: Xã Hợp Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Diện tích sử dụng đất: 36,02ha. Loại, nhóm dự án, loại, cấp công trình chính, thời gian sử dụng của công trình: Dự án nhóm C, công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp IV, thời gian sử dụng công trình 30 năm.

Dự án có tổng mức đầu tư là: 50.000.000.000 đồng (Bằng chữ: Năm mươi tỷ đồng chẵn). Thời gian thực hiện: Năm 2021-2023. Nguồn vốn đầu tư: Nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025. ​​​​​​​

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu