DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Nghệ thuật tạo hoa văn trên cạp váy Mường Hòa Bình – di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của người Mường Hòa Bình

29/11/2023 23/12/2023

2142 0

"Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ! Cạp váy ở đây, là như tượng, như tranh!" đây là nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Từ Chi khi viết về Nghệ thuật tạo hoa văn trên cạp váy - một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của người Mường ở Hòa Bình. 


Hoa văn rồng trên rang giữa cạp váy

Cũng như các dân tộc khác văn hóa dân tộc Mường có những nét đặc trưng riêng được thể hiện qua phong tục tập quán, qua tiếng nói, nét sinh hoạt ăn, ở và đặc biệt được thể hiện qua trang phục. Để có được một bộ trang phục đẹp chị em đồng bào dân tộc Mường đã trải qua quá trình tìm tòi, học hỏi và có sự tích lũy lâu dài để tìm kiếm màu sắc, sáng tạo những hoa văn sao cho khéo léo để phù hợp với thẩm mỹ phong tục, tập quán của dân tộc mình, mỗi người phụ nữ luôn tự hào với bộ trang phục của mình bởi ở đó chứa đựng nhứng nét đẹp văn hóa, chứa đựng sức mạnh trường tồn của giá trị văn hóa được giữ gìn và thể hiện trên các hoa văn trang phục. Tuy giản dị mộc mạc, không có những màu sắc rực rỡ, nhưng có nét riêng biệt với sự trang nhã và tinh tế độc đáo được thể hiện qua những hoa văn trên cạp váy “là gái Mường em chẳng rực rỡ đâu, e ấp hoa văn ẩn mình trong áo em, nếu váy em buông hoa văn e lúng liếng, khuôn ngực em giữ hoa văn đất Mường”

Nghệ thuật trang trí cạp váy trong trang phục truyền thống của phụ nữ Mường nằm trong dòng nghệ thuật Đông Sơn, được thể hiện qua bố cục, các họa tiết hình học và động vật được cách điệu trên cạp váy, tiêu biểu: hình tượng mặt trời ở trung tâm trống đồng được chuyển hóa thành các ngôi sao 8 cánh đứng san sát cạnh nhau thành một dải ngang trên cạp váy, hoặc những mô típ động vật như: hươu, gà, công, phượng, chân tim, rắn, rồng… thường thấy trên trống đồng cũng được mô phỏng lại trên cạp váy. Màu sắc cũng được lựa chọn rất kỹ lưỡng để trang trí, đảm bảo vừa rực rỡ nhưng vẫn phải hài hòa với tổng thể trang phục.


Trang phục của phụ nữ dân tộc Mường

được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày

Nghệ thuật trang trí cạp váy của người phụ nữ Mường một mặt phản ánh những giá trị nhân sinh và vũ trụ luận của người Việt cổ, đồng thời nói lên óc thẩm mỹ, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của những người đã dệt nên nó. Kỹ thuật dệt cạp váy rất khó, bao gồm nhiều khâu, thao tác phức tạp hơn dệt vải thông thường, do vậy, đòi hỏi sự khéo léo cao. Chàng trai Mường kén chọn vợ cũng dựa một phần vào các sản phẩm thêu dệt như cạp váy của các thiếu nữ làm ra để mà kén chọn. Nhìn vào cạp váy mà có thể đoán biết được sự khéo léo, tinh tế của người con gái.

Nguyên liệu làm ra vải, màu nhuộm cho trang phục đều được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mường lựa chọn từ trong thiên nhiên, từ cỏ cây hoa lá gần gũi với cuộc sống thường ngày của họ. Về màu sắc, phụ nữ Mường không ưa những những màu sắc quá chói gắt, rực rỡ; có những bộ phận trong trang phục được quy định thống nhất về màu sắc.

Kỹ thuật dệt cạp váy rất khó, bao gồm nhiều khâu, thao tác phức tạp hơn dệt vải thông thường, do vậy, đòi hỏi sự khéo léo cao. Chàng trai Mường kén chọn vợ cũng dựa một phần vào các sản phẩm thêu dệt như cạp váy của các thiếu nữ làm ra để mà kén chọn. Nhìn vào cạp váy mà có thể đoán biết được sự khéo léo, tinh tế của người con gái

Những phụ nữ Mường khi diện trang phục truyền thống gắn kết với phong thái nhẹ nhàng, duyên dáng cảm thấy tự tin, mềm mại và uyển chuyển hơn. Mỗi chi tiết trên trang phục không chỉ thể hiện giá trị văn hóa mà còn cho thấy sự khéo léo của những cô gái. Những cô gái Mường khoác trên mình bộ trang phục rực rỡ, tựa như những bông hoa đủ màu sắc rực rỡ giữa đại ngàn. Có lẽ chính những điều này đã khiến người phụ nữ Mường luôn cảm thấy tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.


Những bộ trang phục truyền thống được tạo nên bởi những 

Hoa văn độc đáo qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Mường

Cạp váy không chỉ là một bộ phận trang phục, có vị trí quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật trang trí cổ truyền của dân tộc Mường. Nhìn vào cạp váy của người Mường, bắt gặp những nét tương đồng trong nghệ thuật điêu khắc trên trống đồng Đông Sơn. Đó là hình thù của những chú chim, hình ảnh của con nhện, châu chấu…

Đi bất cứ đâu trên mảnh đất Hòa Bình ta cũng dễ dàng bắt gặp các "bà mế" Mường trong những bộ quần áo truyền thống. Khi ở nhà, tiếp khách hay thậm chí là lúc xuống đồng, phụ nữ Mường vẫn duyên dáng trong những chiếc váy đen, áo pắn. Đây là nét văn hóa đẹp của người dân tộc Mường thể hiện lòng tự tôn dân tộc, rất cần được phát huy để những giá trị văn hóa được bảo tồn ngay trong sinh hoạt thường ngày của đời sống.

Bản đồ

Lịch trình mẫu